Banner News

ĐỘT TỬ Ở TRẺ NHŨ NHI và CÁCH PHÒNG TRÁNH

Thứ hai, 20/09/2021, 10:07
ĐỘT TỬ Ở TRẺ NHŨ NHI và CÁCH PHÒNG TRÁNH

ĐỘT TỬ Ở TRẺ NHŨ NHI và CÁCH PHÒNG TRÁNH

Chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (SIDS – Sudden Infant Death Syndrome) là một vấn đề thường xuyên được nhắc đến và lưu tâm ở nước ngoài. Hội chứng xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước khiến bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình.

Chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (SIDS – Sudden Infant Death Syndrome) là một vấn đề thường xuyên được nhắc đến và lưu tâm ở nước ngoài.

1. Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh là gì?

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) không phải là một căn bệnh hay một bệnh lý thông thường. Đúng hơn, đó là chẩn đoán được đưa ra khi trẻ dưới 1 tuổi tử vong đột ngột mà không thể tìm ra nguyên nhân chính xác ngay lập tức. Để làm rõ nguyên do, các chuyên gia y tế phải truy tìm lại bệnh sử của cả trẻ lẫn bố mẹ, nghiên cứu kĩ nơi trẻ qua đời và khám nghiệm tử thi. Hội chứng xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước khiến bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng thường là vào thời điểm trẻ ngủ khoảng thời gian giữa 10 giờ tối và 10 giờ sáng. Khoảng từ 16-20 % các ca tử vong do bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra tại nơi chăm sóc trẻ, thường gặp nhất là trong tuần đầu tiên sau sinh.

2. Nguyên nhân đột tử ở trẻ sơ sinh

  • Trẻ có khuyết tật nghiêm trọng ở tim, hệ hô hấp hay các cơ quan phản ứng chưa phát triển hoàn thiện.
  • Đường thở bị chèn ép khi ngủ trong tư thế nằm sấp, ngủ trên giường có quá nhiều vật dụng hay giường ngủ mềm, ngủ cùng với bố mẹ cũng có thể là tác nhân gây đột tử ở trẻ.

Những trẻ sơ sinh chết vì bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh có mức serotonin trong não thấp hơn so với bình thường. Serotonin giúp điều hòa nhịp thở, nhịp tim và huyết áp trong khi ngủ.

3. Các yếu tố nguy cơ khác

  • Mẹ hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng ma túy trong khi mang thai
  • Chăm sóc trước sinh kém
  • Sinh non hoặc sinh nhẹ cân
  • Mẹ trẻ hơn 20 tuổi
  • Trẻ tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc lá sau sinh
  • Nhiệt độ quá nóng khi ngủ
  • Nằm sấp khi ngủ

Đảm bảo an toàn ngủ cho trẻ sơ sinh

Bài viết này đề cập đến thông tin giúp bố mẹ trang bị được một môi trường ngủ an toàn nhất cho trẻ sơ sinh để giảm thiểu nguy cơ đột tử khi ngủ

Cho con ngủ cũi riêng hay nằm chung giường với bố mẹ?

Đây không chỉ là thắc mắc của riêng mình trước khi sinh con, mà có lẽ là câu hỏi đầu tiên mà tất cả các mẹ đều có khi chuẩn bị phòng ốc đón con chào đời. Ở thời ông bà – bố mẹ chúng ta, việc con ngủ cùng giường với mẹ được xem là điều hiển nhiên. Nhưng với thời hiện đại ngày nay, rất nhiều bố mẹ cân nhắc việc mua cũi cho con nằm riêng. Vậy, nên tập cho con ngủ độc lập để con không bện hơi mẹ, hay ôm ấp con cho tình cảm, rồi nửa đêm chỉ cần quay sang cho con ti xong là có thể ngủ tiếp luôn?

Phương án cho con ngủ ở cũi kê sát ngay cạnh giường bố mẹ được cho là phương án thực tế và an toàn nhất cho giấc ngủ của con. Chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (SIDS – Sudden Infant Death Syndrome) được nhắc đến rất nhiều những năm gần đây chính là tình huống khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi đột ngột tử vong mà không có nguyên do bệnh tật hay bất thường cụ thể. Rất nhiều nghiên cứu đã tìm ra rằng, phần lớn SIDS có liên quan đến an toàn ngủ, bao gồm: tư thế ngủ, môi trường ngủ và các yếu tố nguy cơ trong giấc ngủ của trẻ sơ sinh.

 

Một môi trường ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh bao gồm:

– Luôn đặt con trong tư thế nằm ngửa:

Trừ khi có lời khuyên từ bác sĩ nhi khoa dành cho các trường hợp đặc biệt như: trẻ sinh non, có vấn đề hô hấp, vấn đề tiêu hóa như nôn trớ, vấn đề tim mạch hay vấn đề bẩm sinh khác. Khi khoảng 5 – 7 tháng và đã biết lật thành thạo, nhiều em bé sẽ thích ngủ ở tư thế nằm sấp, lúc đó mẹ cũng không cần lật con lại. Chỉ cần luôn nhớ đặt con vào giường ở tư thế nằm ngửa khi bắt đầu ngủ.

 

– Bề mặt nệm phải phẳng, có độ cứng vừa đủ:

 Không được nằm nệm quá mềm, lún nhiều, làm con khó xoay trở đầu và cổ. Khi con lớn hơn một chút và có xu hướng nằm ngủ sấp, nệm mềm quá sẽ khiến con khó thở hơn ở tư thế úp mặt.

 

Nhiệt độ phòng cần đủ mát, không quá nóng và không quá lạnh (không phải nhiệt độ hiển thị trên máy điều hòa không khí):

Lý tưởng là 23 – 25 độ. Thông thường, ngoài một lớp quần áo, trẻ sơ sinh hay được quấn thêm một lớp khăn swaddle chống giật mình. Bạn hãy lưu ý đo nhiệt độ phòng, không phải nhiệt độ máy điều hòa. Thân nhiệt trẻ con thường cao hơn người lớn một chút, nên nếu bạn cảm thấy hơi se lạnh, nghĩa là phòng đủ mát cho con.

– Không được ủ nóng con:

Với nhiệt độ phòng như đã nêu trên, con chỉ cần mặc nhiều hơn bố mẹ một lớp quần áo hoặc dùng túi ngủ là đủ ấm để ngủ ngon. Không nên đội nón che đầu cho con vì trẻ sơ sinh thoát nhiệt qua da đầu. Trong trường hợp nếu cơ thể bị nóng quá, con cần được để đầu thông thoáng để thoát nhiệt.

 

– Cho con sử dụng ti giả cũng có tác dụng giảm nguy cơ SIDS:

 Nếu con nhận ti giả thì mẹ cứ thoải mái cho con dùng trong lúc ngủ. Nhưng nếu con không muốn (hoặc mẹ không muốn), thì cũng không sao cả.

 

– Không để bất cứ chăn gối, thú nhồi bông hay đồ chơi mềm trong cũi của con:

 Những món đồ này có thể vô tình úp vào mặt con gây ngạt, vì trong những tháng đầu đời, con chưa có khả năng tự xoay chuyển.

 

– Không cần dùng quây bọc cũi, đặc biệt với trẻ nhỏ dưới 4 tháng tuổi:

Quây bọc cũi có tác dụng giúp con không bị đau nếu lỡ va đầu vào thành cũi trong khi ngủ. Tuy nhiên, việc con xoay chuyển, lăn lộn nhiều chỉ xảy ra khi con biết lật. Trước đó thì con chỉ nằm yên một chỗ, nên mẹ không cần sử dụng quây cũi sớm. Đến khi cần dùng quây cũi, nếu có thể, mẹ hãy mua quây bằng vải có lỗ để con dễ thở nếu có úp mặt vào.

– Trong 6 tháng đầu đời, tốt nhất con nên nằm trong cũi riêng cùng phòng với mẹ, đặt sát cạnh giường mẹ. Cũi của con nên có một bên cửa mở ra được để thuận tiện cho mẹ bế con lên mà không phải gập lưng nhiều. Cũi cần có kích thước đủ to để con có thể nằm được lâu dài. Cũi cần có 2 hoặc 3 nấc hạ nệm thấp xuống để khi con biết ngồi, biết đứng, con không tự trèo ra ngoài được. Cuối cùng, cũi chất lượng tốt phải được sơn bằng sơn an toàn, không độc với trẻ nhỏ.

 

Không bao giờ ngủ cùng con sau khi bố, mẹ sử dụng chất kích thích hoặc uống rượu bia.

Bạn cần luôn nhớ rằng một em bé sơ sinh chưa thể tự điều khiển và cử động được cơ thể. Trong những tháng đầu đời, bất kỳ tư thế nguy hiểm nào hay vật dụng nào che úp vào mặt, con đều không thể tự mình xoay xở để thoát ra được.

Nếu mẹ vẫn muốn cho con ngủ cùng giường, hãy đảm bảo an toàn cho con như sau:

– Giường đủ rộng để mẹ và con có không gian thoải mái

– Luôn đặt con nằm ngủ trong tư thế ngửa

– Không đặt con nằm giữa hai người lớn

– Không đặt nhiều thứ chăn gối, thú nhồi bông dư thừa quanh con

– Không mặc đồ ngủ nhiều dây sợi, hay trang sức dài

– Không sử dụng nước hoa, mỹ phẩm, dưỡng da có mùi quá nồng

– Tránh ngủ cùng con nếu bạn quá mệt hoặc stress, vì bạn sẽ ngủ mê man rất sâu, khó tỉnh dậy để kiểm tra con

– Đặt con nằm trong nôi ngủ chung giường nếu có thể

Cần nhắc lại, bố mẹ đừng bao giờ ngủ cùng con sau khi sử dụng chất kích thích hoặc rượu bia.

Trên đây là những lưu ý về đột tử ở trẻ nhũ nhi và cách phòng tránh. Các giải pháp đơn giản nên chỉ cần bố mẹ có sự chuẩn bị và thực hành là sẽ ngăn ngừa được tối đa nguy cơ. 

Chúc các bé ăn ngoan, ngủ ngon, chóng lớn nhé. 

(Nguồn: parenting)

 

Các tin khác

Kiến thức chăm bé khỏe mạnh
29/01/2023, Chủ nhật
Kiến thức chăm bé khỏe mạnh
23/10/2021, Thứ bảy
Kiến thức chăm bé khỏe mạnh
06/05/2021, Thứ năm
mnclose